Bọ xít hút máu người vào mùa sinh sản.

Bọ xít hút máu người gần đây liên tục xuất hiện khiến không ít người hoang mang, tự mua thuốc hóa học về phun. Các chuyên gia về côn trùng cho rằng đang là mùa sinh sản của loài côn trùng này và khuyên người dân tìm sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng.

"Hôm qua, lúc ngủ dậy tôi thấy một con bọ xít ở then gỗ cuối giường, đập nó ra thì thấy be bét máu. Chắc tôi bị nó đốt nên bắp chân phải có một vết sưng to, ngứa ngáy", chị Hoàn (Cổ Nhuế, Hà Nội) kể.

Tương tự, ông Trọng (chùa Liên Phái, Hai Bà Trưng, Hà Nội) phản ánh cứ cách vài ngày lại bắt được một con bọ xít trong nhà.

"5 ngày trước tôi bắt được một con, hôm nay lại bắt được nữa. Gia đình tôi lo lắng không biết có ổ bọ xít hút máu nào đang làm tổ trong nhà mình không nữa. Làm sao để tìm ra và bắt được chúng?", ông Trọng lo lắng.

Cũng như vậy, anh Lượng sống ở một vùng ngoại thành thuộc Chương Mỹ, Hà Nội phản ánh vùng quê anh có rất nhiều con bọ xít hút máu người. Chúng thường sống ở chỗ tối, ẩm thấp, lúc đập ra thấy nhiều máu, đặc biệt chúng sống rất lâu.

"Tôi bắt một con cho vào cái lọ có chọc một lỗ thông hơi rồi vứt vào cốp xe máy định mang đi kiểm tra nhưng quên mất. Hơn một tuần sau tôi mở ra thì thấy nó vẫn chưa chết", anh Lượng kể.

Gần đây các địa phương như Quy Nhơn, TP HCM... người dân cũng phát hiện nhiều bọ xít trong nhà mình. Bà Quyên ở Tân Bình bị con bọ xít loài này đốt chi chít khắp người, các vết cắn sưng to phải vào bệnh viện khám và điều trị.

Theo TS. Trương Xuân Lam - Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam, thì thông tin về bọ xít hút máu người đã xuất hiện từ năm 2010, giờ lại bùng phát.

"Thực ra, bọ xít hút máu người đã được ghi nhận ở nước ta từ lâu nhưng trước đó chưa có thông tin nào nói chúng đang sống ở gần người nên người dân hầu như không biết. Vài năm nay, do số lượng bọ xít hút máu gia tăng và các thông tin của báo chí nói nhiều về loài này nên người dân đã nhận biết được hình dạng của chúng", TS. Lam nói.

Ông cũng cho biết đang là thời điểm vào mùa sinh trưởng, phát triển của bọ xít hút máu nên chúng rất cần thức ăn (là máu của các động vật trong đó có con người). Chính vì vậy loài côn trùng này xuất hiện ở nhiều nơi không kể thành phố hay nông thôn.

"Bọ xít hút máu người sinh sản trong mùa nóng. Hàng năm chúng thường xuất hiện vào tháng 7 nhưng năm nay có hai tháng nhuận nên muộn hơn. Để có thức ăn, thông thường chúng phát tán vào nhà, có tập tính là sống gần người trong các khe giường, trần nhà, bàn ghế, quần áo và nhất là trong phòng ngủ. Ban ngày chúng lẩn trốn, ban đêm ra hút máu người hay gia súc", TS. Lam nói.

Ông Lam và các đồng nghiệp tại Viện khoa học và công nghệ Việt Nam đang tiến hành một nghiên cứu về các đặc điểm sinh học và sinh thái của loại bọ xít này ở một số thành phố (trong đó chủ yếu là Hà Nội). Qua đó, nhóm nghiên cứu xác định loài bọ xít hút máu người có tên khoa học là Triatoma Rubrofasciata. Ngoài ra ông Lam cũng cho biết có thể sẽ có thêm 2 phân loài bọ xít hút máu người nữa.

"Đúng là bọ xít hút máu người bắt nguồn từ Nam Mỹ. Chúng tôi đang giả thiết rất có thể nó di cư vào Việt Nam thông qua các con tàu", ông Lam nói.

Qua thời gian nghiên cứu, nhóm này cũng thu thập thông tin của người dân bị bọ xít hút máu đốt trong những năm gần đây. Kết quả cho thấy khi bọ xít hút máu người thường để lại các vết tấy đỏ to và gây ngứa ngáy.

Tùy từng cơ địa của mỗi người, chỉ một vài ngày sau vết đốt sẽ khỏi. Nhưng với người mẫn cảm với côn trùng thì vết đốt có thể sưng tấy to, bị phù, gây sốt. Có người sốt kéo dài phải cần tới sự can thiệp của các bác sĩ, nhất là đối với trẻ em - đối tượng rất ưa thích của bọ xít hút máu.

"Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định bọ xít hút máu người ở nước ta gây buồn ngủ hoặc gây các bệnh nguy hiểm giống như loài bò xít hút máu ở Nam Mỹ. Người dân chỉ cần để ý tránh không để cho bọ xít hút máu có cơ hội gần và đốt. Thường xuyên xem xét những nơi có chứa gỗ trong phòng ngủ, vệ sinh gường ngủ cẩn thận. Nếu bị đốt nhiều và vết đốt sưng tấy to, bị phù hoặc sốt thì nên đến bác sĩ", TS. Lam khuyến cáo.

Ông Lam cũng nói gần đây có rất nhiều người dân phản ánh về bọ xít hút máu người xuất hiện ở nơi họ đang sống, người báo có một vài con, cũng có người thấy cả ổ vài chục con.

"Thông thường nếu thấy một vài con thì người dân nên tìm và giết bằng các phương pháp thủ công. Trường hợp phát hiện một ổ lớn, nên báo cáo để cơ quan có chức năng tiến hành phun thuốc diệt chúng. Phun thuốc hóa học không đúng cách sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, nhất là sử dụng thuốc trong phòng ngủ".

"Nếu người dân cần thông tin và sự giúp đỡ có thể liên hệ với chúng tôi", TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật ngỏ ý.

Phan Dương

Nguồn:doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/bo-xit-hut-mau-nguoi-vao-mua-sinh-san-2279434.html

Bọ xít hút máu người vào mùa sinh sản.

 

 

 

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Liên hệ: Công Ty Dịch Vụ Diệt Côn Trùng - Dịch Vụ Diệt Côn Trùng Hà Duy Anh
DC: Số 8 - Hồ Biểu Chánh - Q. Phú Nhuận - TP. HCM
DT: 0909096691 Mr Thế Anh website:www.dietcontrunghieuqua.com

Kính chúc quí khách sức khỏe, thành công và phát triển!

 

Khách hàng tiêu biểu: 

Cong ty diet con trung