Thi hành luật trong thế giới côn trùng.

Ở đa số loại côn trùng sống tập đoàn như ong mật, kiến và ong vò vẽ, một trong những hình thức trật tự xã hội dựa trên sự kiểm soát sinh sản: Côn trùng thợ từ bỏ khả năng sinh nở của mình để nuôi con của côn trùng chúa. Nhưng, luật lệ đó đôi khi vẫn bị vi phạm, những con thợ vẫn ngang nhiên sinh sản..

Với hành vi này, chúng không chỉ chống lại những lợi ích của con đầu đàn, mà còn là gương xấu cho những con ong thợ trong bầy. Chính vì thế, chúng phải trả giá đắt bằng sự tra tấn, tống giam và hạ sát của những con côn trùng thợ khác - hệ thống cảnh sát chính trị của loài.

Vào cuối thập niên 1980, Francis Ratnieks, chuyên gia về sinh thái học tiến hoá tại Đại học Sheffield (Anh), đã chứng minh rằng, ong thợ đóng vai trò “cảnh sát” và đích thân trừng phạt những con phạm quy chế bằng cách phá huỷ trứng của chúng. “Duy trì trật tự với lực lượng ong thợ là một cơ chế cho phép một xã hội giải quyết các xung đột của nó”, Francis Ratnieks giải thích.

"Hệ thống an ninh" này không chỉ tồn tại trong thế giới ong mật, mà còn có thể quan sát thấy ở một số loài ong bò vẽ, hay kiến, điển hình như kiến ponérine (một phân họ có lẽ là nguyên thủy nhất của nhà kiến). Chúng sống trong các khu rừng nhiệt đới thành các tập đoàn nhỏ, tối đa khoảng một trăm thành viên. Ở loài kiến này, không có ngăn cách lớn giữa kiến chúa và kiến thợ. Nhưng nếu như tất cả những con cái đều có khả năng sinh sản, thì chỉ có một số con là làm điều đó, bởi vì các tập đoàn nhỏ bé ấy không thể duy trì một số lớn con giống.

Tôn ti trật tự này được giữ vững là nhờ hệ thống cảnh sát và các phương pháp tàn bạo nhất. Con kiến thợ cái còn trẻ nào có ý định sinh sản thì lập tức bị đồng loại chế ngự và làm cho bất động trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày. Sự trừng phạt nhẹ nhất là nó bị giáng cấp và mất khả năng sinh sản. Nhưng thường là nó sẽ bị cắt xẻo hoặc giết chết...

Đứng đầu các hệ thống an ninh trên luôn luôn là con chúa. Ở loài ong mật, con chúa sẽ sản ra các pheromone, chỉ thị cho những con thợ phải tiến hành công việc trấn áp, phong toả buồng trứng của chúng để tỏ lòng trung thành và phá vỡ những âm mưu lật đổ. Chế độ này thường thành công vì hiếm khi có sự vi phạm pháp luật. Nhìn chung, chỉ có khoảng 3 trong số 30.000 con thợ của đàn ong là có buồng trứng hoạt động.

Nhưng, cũng như ở con người, khi một nhà độc tài chết đi tất phát sinh những sự đảo lộn trong xã hội. Khi con chúa lìa đời, các pheromone của nó không còn “tắm” cho đàn ong mật nữa, lũ ong thợ sẽ tha hồ đẻ trứng. Ở loài kiến ponérine cũng vậy, thỉnh thoảng cảnh sát kiến làm một cuộc đảo chính, phế truất con chúa suy yếu và đưa một con trẻ đầy đủ năng lực lên ngôi. “Khi khả năng sinh sản của con giống suy yếu, lũ thợ có thể quay sang phò tá một con khác”, Christian Peeters, chuyên gia về kiến ở Đại học Pierre et Marie Curie (Paris, Pháp), giải thích. Ngay cả ở loài ong mật, cũng có khi những con thợ đánh đổ địa vị độc quyền sinh sản của ong chúa.

Cũng có những đàn ong vô chính phủ một cách tự nhiên, bao gồm vài chục ong thợ cùng đẻ. Nhưng khi thử nghiệm làm tăng tỷ lệ sinh sản của số ong thợ lên đến 40%, Ben Olroyd, ở Đại học Sydney và cộng sự đã phát hiện thấy những con ong này trở nên lơ là công việc, dẫn đến sự suy tàn và sụp đổ của cả đàn. “Chúng hầu như không tự nuôi sống mình được nữa và làm những việc lạ lùng, như cố ép các ấu trùng đực phát triển thành con chúa”, Ben Olroyd bình luận. Còn nếu đưa vào đàn những con ong thợ nào đó, những con này có thể bắt đầu đẻ trứng, khiến các nhà khoa học phải suy luận rằng, có lẽ các pheromone của ong chúa yếu hơn bình thường.

Cuối cùng, việc duy trì trật tự trong một số tổ ong có thể bị rối loạn bởi một tác động từ bên ngoài. Vào tháng 1/2002, nhóm của Francis Ratnieks đã mô tả một dạng ăn bám của loài ong ở Cap (Cộng hoà Nam Phi), trong vòng 10 năm gần đây, đã tàn sát những đàn ong châu Phi ở miền bắc nước này. Những con ong thợ ở Cap có một điểm chung với những con ong thợ vô chính phủ của Ben Olroyd: chúng gần như không làm việc. Nhưng khác với những con ong thợ khác, chúng có thể đẻ trứng, là các bản sao di truyền của chúng.

Ratnieks và cộng sự đã chứng tỏ rằng những con ong thợ châu Phi không biết phân biệt được trứng của ong Cap với trứng mà ong chúa của chúng đẻ ra. Hậu quả là số kẻ xâm lăng tăng lên chóng mặt, tiêu diệt đàn ong châu Phi chỉ trong vòng vài tháng. Lúc đó, lũ ong Cap lại bay xâm lăng sang tổ khác. Tới nay, loài ong ăn bám này đã hoành hành ở Nam Phi trong một chu vi 200 km, trải dài từ Pretoria đến biên giới Mozambique, và vẫn tiếp tục lan rộng hơn nữa.

Kiến thức Ngày nay (theo LCI)

Nguồn:vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/hanh-vi-vo-chinh-phu-trong-the-gioi-con-trung-1979980.html

Thi hành luật trong thế giới côn trùng.

 

 

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Liên hệ: Công Ty Dịch Vụ Diệt Côn Trùng - Dịch Vụ Diệt Côn Trùng Hà Duy Anh
DC: Số 8 - Hồ Biểu Chánh - Q. Phú Nhuận - TP. HCM
DT: 0909096691 Mr Thế Anh website:www.dietcontrunghieuqua.com

Kính chúc quí khách sức khỏe, thành công và phát triển!

 

Khách hàng tiêu biểu: 

Cong ty diet con trung