Săn chuột đồng bằng lưới chài.

Sau tiếng cuốc đất, tiếng phạt cỏ rào rào, hết chỗ núp, bốn con chuột béo múp nháo nhào lao vọt ra nhằm tìm đường thoát thân nhưng lại đâm sầm vào tấm lưới chài đã được giăng sẵn…

Kỹ thuật săn chuột đồng

Dịp cuối năm, khi những cánh đồng hết vụ lúa tại các xã Phương Tú, Đồng Tân, Minh Đức, Kim Đường, Trung Tú (Ứng Hòa, Hà Nội) chỉ còn trơ lại các gốc rạ, là những nhóm thợ săn chuột lại bắt đầu bước vào mùa “đi săn”.

Chúng tôi theo chân nhóm thợ săn chuột của anh Nguyễn Huy Giang ở xã Phương Tú (Ứng Hòa, Hà Nội) để tận mắt chứng kiến kỹ thuật săn chuột. Nhóm của anh Giang có gần chục thành viên đã có nhiều năm đi săn chuột khắp các cánh đồng lớn nhỏ ở các xã trong huyện Ứng Hòa. Tuy nói là “thợ săn chuột” nhưng các thành viên trong nhóm chỉ “đi săn” vào lúc nông nhàn, chứ bình thường họ vẫn đi phụ hồ, thợ xây, chạy xe ba gác,… kiếm sống trên thành phố. Dịp cuối năm ít việc, họ về quê đi săn để kiếm thêm thu nhập.

Địa điểm mà nhóm của anh Giang quyết định sẽ “đi săn” trong ngày hôm nay là cánh đồng rộng bát ngát nằm dọc hai bên tỉnh lộ 428 đoạn qua xã Phương Tú (Ứng Hòa, Hà Nội). “Đồ nghề” được nhóm chuẩn bị sẵn cho buổi đi săn hôm nay gồm khá nhiều thứ với các tính năng khác nhau như: Cuốc, thuổng dùng để đào hang chuột; dao cán dài để phát bụi rậm; lưới chài mắt to dùng để giăng bẫy chuột; móc sắt để bẻ răng chuột, túi lưới để đựng chuột; găng tay để bắt chuột;…

Sau khi chọn một đoạn mương nước bỏ hoang với nhiều bụi rậm, các đống rơm rạ lưu cữu lại sau vụ gặt mà theo Giang là có thể có nhiều chuột, các thành viên trong nhóm bắt đầu ai vào việc nấy. Người thì giăng chài để “đón lõng” chuột, người thì dùng dao phát quang bụi rậm, người thì dùng cuốc, gậy gộc đập vào bờ bụi để xua chuột, người đeo găng tay đứng sẵn chờ bắt chuột. Tất cả phối hợp với nhau khá nhịp nhàng, ăn ý.

Là người lâu năm “theo nghề” nhất nên anh Nguyễn Huy Giang có khá nhiều kinh nghiệm trong việc xác định địa điểm có nhiều chuột cũng như đặc tính của loài động vật gặm nhấm này. Giang cho biết chuột đồng có loại đào hang, có loại chỉ làm tổ trong các bụi rậm. Chuột đào hang thường rất to nhưng số lượng mỗi hang thường ít, chỉ có một đến hai con, hang nào có chuột đàn ở thì cũng chỉ khoảng chục con đổ lại.

Riêng loại chuột làm tổ trong các bụi rậm thường không to nhưng đông con. Mỗi tổ ít nhất cũng có bốn năm con, tổ lớn có khi tới chục con, thậm chí có tổ lên tới vài chục con. “Thích nhất là săn loại chuột làm tổ trong bụi vì vừa dễ bắt, có khi đập đập vài cái là đã thấy chuột chạy rồi, không mất nhiều công sức để cuốc đất đào hang. Nếu gặp những tổ chuột lớn, đông con thì coi như “trúng quả”, anh em bắt mỏi tay mới hết”, Giang cho biết.

Quả đúng như lời anh Giang, ngay khi cả nhóm vừa bắt đầu phát cỏ và đánh động thì những tiếng rúc rích, lịch xịch của đám chuột trong bụi đã bắt đầu vang lên. Lúc những đống rơm rạ, bụi cỏ rậm được hất tung và phát hết, năm con chuột to như cổ tay người lớn bỗng lao vụt ra, chạy trối chết để thoát thân. Chạy chưa được bao xa thì cả đàn đều vướng vào tấm lưới chài đã được giăng sẵn. Bị vướng lưới, cả đám chuột giãy giụa, cắn rứt điên cuồng nhưng chỉ một lúc thì kiệt sức, nằm im thin thít.

“Chuột vướng chài thì có chạy đằng trời, càng cắn, càng giãy thì càng mắc chặt hơn”, anh Phạm Văn Bình - người trong nhóm được giao nhiệm vụ giăng lưới đón lõng và bắt chuột cho biết. Từng con chuột sau khi được gỡ ra khỏi chài đều sẽ bị bẻ răng trước khi cho vào túi lưới và tất cả đều phải đảm bảo còn sống thì mới bán được.

Nơi tiếp theo mà nhóm của Giang sẽ “săn” là một gò đất lớn nằm giữa cánh đồng và ít người qua lại. Nhìn những hang hốc và các đống đất nằm ở trước cửa hang, Giang phán đoán những hang này có chuột đàn sinh sống. Kế đó, Giang cùng một người nữa dùng cuốc, thuổng đào hang còn những người khác trong nhóm giăng chài, lấy cỏ cuộn lại nhét vào các cửa hang và đeo găng tay “trực chiến” sẵn để nếu chuột có chạy ra sẽ vồ bắt. “Chuột đàn thường đào rất nhiều ngóc ngách nên phải đào lần lượt từng hang một và chẹn bớt một số cửa hang”, anh Giang giải thích.

Sau một hồi đào bới vòng quanh khu gò, “vòng vây” được khép dần khi các ngách hang ăn thông với nhau đã lần lượt bị xới tung. Chẳng mấy chốc, những tiếng lục cục cùng chiếc đầu chuột bắt đầu lấp ló. Lúc này, chiếc lưới chài nhanh chóng được đem đến giăng sẵn ở xung quanh cửa hang trong khi cửa hang dần dần bị khoét rộng ra. Một con chuột đen trùi trũi to như bắp tay phóng vọt ra khỏi hang, ngược lên phía đỉnh gò và thoát ra khỏi “vòng vây” của chiếc chài. 

Ngay lập tức, hai người trong nhóm “thợ săn” nhanh chóng tách tốp lao theo và chỉ trong vài bước chân, rất nhanh và chính xác một trong hai người đã vồ gọn được chú chuột vừa táo tợn “vượt vòng vây” kia. Những con chuột còn lại trong hang lần lượt vọt ra nhưng đều bị mắc vào lưới chài trước khi bị bẻ răng rồi tống vào túi đựng.

Ẩn họa nghề săn

Theo anh Giang cũng như các nhóm thợ khác, nghề săn chuột đồng này trông có vẻ đơn giản nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khi “hành nghề”. Rủi ro thường gặp nhất đối với thợ săn là những lần bị chuột cắn lại. Răng chuột rất sắc nên khi bị chuột cắn thường bị chảy máu rất nhiều, đó là chưa kể tới trường hợp bị lây bệnh, nhiễm trùng từ vết thương do chuột cắn.

Chỉ vào vết sẹo dài và sâu ở ngón tay cái, anh Trần Đức Trung - một thành viên trong nhóm cho biết đó là “dấu tích” còn lại của chuyến đi săn cách đây hơn một năm. Lần đó cả nhóm cùng nhau xuống xã Minh Đức (Ứng Hòa, Hà Nội) để săn chuột. Cả nhóm mất cả tiếng đồng hồ để đào theo một ngách hang cạnh một cống thủy lợi ở giữa đồng mà vẫn chưa thấy gì, lúc đang tạm nghỉ thì bất ngờ một con chuột to như bắp vế bất ngờ từ trong hang lao vọt ra. Say mồi, anh Trung quăng luôn cả chiếc thuổng đang cầm để lao theo. Dù vồ được nhưng không chụp được ngay cổ mà chỉ túm được phần thân, thuận đà nên con chuột quay lại cắn trả.

“Lúc bị cắn thấy máu chảy ra đầm đìa nhưng chỉ nghĩ là bình thường như mọi lần thôi nên tôi vơ mấy cây nhọ nồi vò nát, đắp vào cầm máu. Ai dè tối về nhà vết cắn tấy lên, buốt tận óc, người cứ ngây ngây sốt. Tôi phải lên trạm xá tiêm và mua thuốc uống mất nửa tháng trời mới đỡ”, anh Trung kể lại. Sau đận đấy, cả nhóm quyết định trang bị găng tay để vồ chuột.

Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với các nhóm thợ săn chuột là việc chạm trán phải… rắn độc. Anh Nguyễn Huy Giang cho biết dù nhóm mình may mắn chưa trực tiếp chạm trán rắn độc nhưng đã từng chứng kiến việc một người trong nhóm khác bị rắn cắn cách đây đã hơn hai năm.

Đó là lần nhóm của Giang cùng với một nhóm thợ săn chuột khác bên huyện Phú Xuyên (Hà Nội) sang cánh đồng thuộc xã Kim Đường (Ứng Hòa, Hà Nội) để săn chuột. Nhóm bên huyện Phú Xuyên nhận đào, bắt dọc theo bờ ruộng gần một khu nghĩa địa và được khá nhiều chuột to. Lúc đào sắp hết một hang khá lớn dưới một gốc cây duối to, vì vướng rễ cây và do đất đá, rác rưởi rơi xuống nhiều nên một người trong nhóm đó dùng tay vào để moi đất đá, rác rưởi trong hang ra. Khi người này thò tay vào móc thì bỗng nghe tiếng phì phì rồi thấy nhói một cái ở đầu ngón tay nên vội rút tay ra thì thấy máu chảy, kế đó là một con rắn hổ mang bạnh dài hơn một mét lù lù trườn ra. 

Cả nhóm thợ săn chuột sau khi đập chết con rắn liền hò nhau đưa người bị cắn đi viện cấp cứu. Người bị rắn cắn dù may mắn thoát chết nhưng vẫn phải tháo bỏ hai đốt ngón tay do hoại tử. Trong những lần đi săn sau này, nhóm anh Giang cũng như các nhóm thợ săn khác đều nhắc nhở nhau hết sức cẩn thận và tuyệt đối không thò tay vào để moi, móc hang chuột mà phải dùng cuốc, thuổng hoặc móc sắt để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Kết thúc buổi đi săn, nhóm của anh Giang “săn” được khoảng 30 kg chuột. Đến cuối ngày sẽ có người đến thu mua chuột cho các nhà hàng bán làm đặc sản chuột đồng. Với giá giao động từ 100 - 120.000 đồng/kg chuột đồng như hiện nay, mỗi thành viên trong nhóm thợ săn sẽ được khoảng 300 - 400.000 đồng. Coi như có thêm đồng ra đồng vào dịp cuối năm nhưng không phải hôm nào cũng bắt được nhiều như hôm nay. Những hôm bắt được ít thì anh em làm thịt rồi ngồi lai rai với nhau”, anh Nguyễn Huy Giang chia sẻ.

Hương Viên

Nguồn:baotintuc.vn/phong-su/mua-san-chuot-dong-20150119102251304.htm

Săn chuột đồng bằng lưới chài.

 

 

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Liên hệ: Công Ty Diệt Chuột - Dịch Vụ Diệt Chuột Hà Duy Anh
DC: Số 8 - Hồ Biểu Chánh - Q. Phú Nhuận - TP. HCM
DT: 0909096691 Mr Thế Anh website:www.dietcontrunghieuqua.com

Kính chúc quí khách sức khỏe thành công và phát triển!

 

Khách hàng tiêu biểu: 

Cong ty diet con trung