Tết rong ruổi của người nuôi ong mật.

Lên Tây Nguyên đón hoa cà phê, trở lại miền Trung chờ hoa keo lá tràm rồi xuôi về đồng bằng săn hoa nhãn, hoa vải..., những người làm nghề nuôi ong mật rong ruổi khắp nơi. Họ hầu như chẳng bao giờ có Tết.

Những ngày giáp Tết, ven bãi sông Lam đoạn qua các xã Nam Tân, Nam Thượng, Nam Lộc của huyện Nam Đàn (Nghệ An) bạt ngàn hoa ngô. Dưới lán cây ven đường vào bãi là hàng nghìn tổ ong mật của những người nuôi ong du mục đang cắm chốt. Anh Nguyễn Đức Minh (30 tuổi) ở huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai vừa dõi theo đàn ong đi lấy hoa vừa say sưa kể chuyện về cuộc đời nuôi ong của mình.

Nghỉ học sớm, anh Minh đi làm công nhân cho công ty ong ở Tây Nguyên với nhiệm vụ là theo ôtô mang hàng nghìn tổ ong mật đi đến các cánh đồng hoa để chăm và lấy mật rồi nhập lại cho công ty. Một thời gian sau, anh Minh tự mua giống ong về làm riêng. Ban đầu anh mua được gần 100 tổ ong Iatlia, thuê xe đưa đến các vựa hoa để nuôi và lấy mật.

Công việc của người nuôi ong như anh Minh thay đổi theo những mùa hoa, không khác gì dân du mục chạy theo đồng cỏ và hồ nước trên thảo nguyên. Khoảng tháng 3, khi cà phê nở trắng trời Tây Nguyên, họ đưa ong đến lập trại dưới rừng cà phê. Vài tháng sau, khi mùa hoa keo lá tràm ở các cánh rừng trên dãy Trường Sơn nở rộ, họ lại kéo nhau ra miền Trung. Hết hoa keo lá tràm, họ tiếp tục di chuyển ra vùng Hưng Yên, Bắc Giang để theo mùa hoa nhãn, hoa vải...

Là công nhân của Công ty mật ong Hưng Yên, khi công ty giải thể, tài sản không có gì nên những người như anh Mai Văn Nam được chia mấy tổ ong. Coi con ong là nghiệp, vợ chồng anh cần mẫn chăm sóc, thuê xe đưa ong đi rong ruổi khắp nơi. Sau khi chọn được vựa hoa ưng ý, những người nuôi ong sẽ dựng một chiếc lán, đặt mấy cái xoong bé xíu để nhóm cơm và bắt đầu những tháng ngày nếm mật, nằm gai cùng đàn ong.

“Gọi là lán cho oai chứ thực ra chỉ là chiếc bạt nhỏ xíu, che được một chiếc giường. Đời nuôi ong du mục chẳng khác nào người tiền sử, ngày đêm nằm một mình giữa rừng hoang, đêm không được bật đèn, ngày nấu ăn không được phả khói nhiều vì loài ong sợ ánh sáng, sợ khói. Cả năm hầu như chẳng biết đến chiếc tivi là gì”, anh Nam tâm sự.

Nói về nghề nghiệp, người làm nghề nuôi ong tự ví mình là con ong thợ chăm chỉ. “Con ong có nhiệm vụ đi hút mật hoa, chúng tôi cũng như ong vậy, phải chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho nó. Ong có an toàn thì người mới sống được”, anh Nam chia sẻ.

Anh Nam kể, nghề nuôi ong lắm công phu. Đầu tiên, khi xác định được vựa hoa, họ phải thuê xe tải, gom toàn bộ thùng ong lên xe và chở đi. Quá trình chở phải nhanh chóng, không được gây ra chấn động lớn, phải cung cấp đủ thức ăn sẵn cho ong trong thùng. Nếu không may thùng ong vỡ coi như hỏng cả đàn.

Khi gặp được vùng hoa đẹp, nếu suôn sẻ, chỉ cần khoảng nửa tháng thợ nuôi ong sẽ có được thành quả là những bánh tổ chứa mật vàng ruộm. Rất nhanh chóng, họ phải huy động nhân công đến quay mật cả ngày lẫn đêm. Chiếc thùng sắt cao nửa người, lắp một lúc hàng chục bánh tổ được những người thợ quay cật lực để lấy mật. Việc quay mật cũng phải diễn ra mau lẹ, không thì đàn ong sợ bỏ đi mất.

Với đàn ong khoảng 200 tổ như của anh Nam, mỗi lần quay mật được khoảng 500 kg. Mật quay xong, người của các công ty ong sẽ đưa ôtô đến thu gom tận nơi với giá từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg. Trung bình 2 tháng quay mật khoảng 3 lần. Nếu may mắn thì người nuôi ong có thu nhập cả mấy trăm triệu đồng một năm.

Tuy nhiên, không phải lúc nào công việc cũng suôn sẻ. Loài ong rất mẫn cảm với môi trường, nếu đen đủi gặp vựa hoa có thuốc trừ sâu, hoặc thuốc kích thích đậu quả, lập tức ong sẽ chết như ngả rạ. Lúc đó, nếu người thợ không kịp di chuyển thì coi như phải làm lại từ đầu. “Nhìn hoa, canh thời tiết” là nhiệm vụ quan trọng nhất của những người nuôi ong. Nếu gặp trời quá nóng, đàn ong sẽ bỏ đi, nếu quá lạnh ong sẽ tự ăn mật của mình rồi chết dần. Ngoài ra, thợ ong cũng phải canh chừng ấu trùng, loài ong lạ hoặc những con vật thích ăn ong thợ như cóc, thằn lằn, tắc kè, rắn mối…

“Nghề ong lúc lên voi, khi xuống chó là chuyện bình thường. Nếu trời thương, ong thương thì chỉ dăm năm là có tiền tỷ trong tay. Nhưng nếu vận không đến thì chỉ vài tháng cũng có thể trắng tay”, anh Nguyễn Đình Nam, một thợ ong đến từ tỉnh Hưng Yên tâm sự.

Nói về Tết, những người nuôi ong chỉ cười mỉm rồi thở dài. Quanh năm vắng nhà, đến Tết họ cũng không được về quê. Bởi theo anh Nam “nếu về thì phải đưa đàn ong theo, không có hoa, ong chết thì người cũng chết chứ nói gì đến chuyện Tết nhất”.

20 năm sống chết với đàn ong mật, vợ chồng anh Nam - chị Bảy thi thoảng mới về nhà thăm con. Sau mỗi lần quay mật, hai vợ chồng ghé về nhà gửi ít tiền cho ông bà chăm sóc con rồi lại đi biền biệt. Vì thương và hiểu cho công việc của bố mẹ nên các con của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi.

Anh Nam cho biết, nhiều gia đình đã phải bỏ nghề nuôi ong vì phải đi nhiều, không có điều kiện và thời gian chăm sóc con cái. Một số hộ phải cho con đi theo đàn ong và xác định cho con theo nghề vì không có thời gian đi học. Một số người biết tin bố mẹ, người thân ốm thập tử nhất sinh mà không thể về kịp để gặp mặt trước khi họ qua đời...

“Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng, còn nuôi ong thì cũng không thể đứng hay nằm mà suốt ngày rong ruổi theo dấu những vựa hoa. Dù không có Tết nhưng với những thợ ong như chúng tôi thì ngày nào cũng là mùa xuân bởi nghề của chúng tôi là đưa ong đi tìm hoa, nơi nào có hoa, nơi ấy có mùa xuân”, chị Đồng Thị Bảy nhoẻn miệng cười nói.

Tết Quý Tỵ này, vợ chồng chị Bảy cùng đàn ong sẽ theo ôtô vào vùng rừng núi Nam Trung Bộ để săn hoa keo lá tràm sắp nở.

Nguyên Khoa

Nguồn:vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tet-rong-ruoi-cua-nguoi-nuoi-ong-mat-2424262.html?utm_source=search_vne

Tết rong ruổi của người nuôi ong mật

 

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Liên hệ: Công Ty Dịch Vụ Diệt Côn Trùng - Dịch Vụ Diệt Côn Trùng Hà Duy Anh
DC: Số 8 - Hồ Biểu Chánh - Q. Phú Nhuận - TP. HCM
DT: 0909096691 Mr Thế Anh website:www.dietcontrunghieuqua.com

Kính chúc quí khách sức khỏe, thành công và phát triển!

 

Khách hàng tiêu biểu: 

Cong ty diet con trung