Công ty diệt côn trùng - Cảnh báo nguy hiểm đến tính mạng do côn trùng đốt

Côn trùng có ích cho hệ sinh thái và hầu hết các loài côn trùng cũng có ích cho con người. Tuy nhiên nhiều loài côn trùng dù rất nhỏ bé nhưng chỉ với một vết cắn, châm hoặc đốt, chúng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

1. Một số loại côn trùng gây bệnh hay gặp.

Kiến: Nhiều loại kiến đốt có thể gây viêm da dị ứng, trong đó có kiến ba khoang, là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học là Paederus fuscipes (tên tiếng Anh là rove beetles) gây viêm da. Kiến ba khoang có kích thước nhỏ hơn hạt thóc, có cánh bay, bụng thon nhọn, có một khoang màu đỏ trên nền đen, buổi tối rất hay bay vào bóng đèn, bám trên các bức tường, giường, màn và bò cả lên người.

Kiến này đốt rất đau và trong bụng chứa một chất độc giống như chất piridin. Chất này khi tiếp xúc vào da tạo nên viêm da, thối thịt giống như bị tạt axit. Một số người không biết đã lấy tay giết kiến, sau đó vô tình sờ lên mặt hoặc gãi lên da tạo thành những vết tổn thương dài, hoặc thương tổn ở cẳng tay khi ngủ vắt tay lên trán làm tổn thương lan sang trán, thương tổn ở bắp chân lây sang mặt sau đùi khi ngồi xổm, những thương tổn dạng như trên được gọi là thương tổn hôn nhau (kissing lesson) là dấu hiệu đặc thù chỉ có trong viêm da tiếp xúc do côn trùng.

Kiến lửa rất nhiều ở nước ta, vết đốt của kiến lửa không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cảm giác nhói buốt dai dẳng thật sự là một điều rất kinh khủng. Nọc của một số loài kiến lửa có thể gây ra những triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, thở gấp hay sốc..., phụ thuộc vào hệ miễn dịch của người bị đốt. Nếu vết cắn bị rộp thì không được chọc vỡ mà phải lấy miếng gạc đặt nhẹ lên vì nếu vết rộp vỡ có thể dẫn tới nhiễm trùng.

Ong, bướm: Đa phần các loài ong đều có nọc độc, tùy theo loài mà sẽ độc ít hay nhiều. Có loại gây chết người chỉ với trên 10 vết chích như ong vò vẽ, ong đất, nhưng cũng có loại không nguy hiểm nhiều đến sức khỏe như ong mật. Nọc ong có thành phần chính là protein kèm theo men xâm nhập, men tiêu huyết, tiêu tế bào, các chất gây dị ứng và acetylcholine...Trong trường hợp bị ong đốt quá nặng, nạn nhân sẽ bị tím tái, sốc, trụy tim mạch..., có thể tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Bướm, ấu trùng bướm (carterpillar dermatitis) là ấu trùng của bướm hoặc bướm đêm. Ấu trùng này có lông ngắn, chính lông đó có thể kích thích da gây viêm da. Thương tổn hay thấy ở vị trí hở như mặt, cổ, tay, chân, đôi khi có viêm kết mạc mắt do đi đường bị ấu trùng bướm bay thẳng vào mắt, hoặc đêm ngủ ấu trùng bò lên vùng mắt. Thương tổn do ấu trùng bướm thường là những ban đỏ phù nề, sẩn và mụn nước, mụn mủ, nóng, đau rát do tiếp xúc trực tiếp với lông bướm hay lông phát tán trong gió. Ấu trùng có thể bò trực tiếp trên da hoặc gián tiếp do gió thổi đưa lông dính vào quần áo, khi mặc vào sẽ bị bệnh.

Sâu róm: Mùa xuân cần cẩn thận với sâu róm. Chúng không đốt người, nhưng lông gai của hầu hết các loài sâu róm tiết ra chất làm ngứa rát khi chạm phải. Lông gai của một số loài có thể gây đau nhức dữ dội ở vùng da tiếp xúc, đi kèm với việc mề đay mẩn ngứa do dị ứng.

Các nốt xuất huyết có thể xuất hiện trong vòng 2-3 giờ và trong nhiều ngày. Những triệu chứng khác gồm sưng hạch, nhức đầu, sốt, hạ huyết áp và co giật, diễn tiến nặng có thể tử vong. Khi bị sâu róm bám vào da, tránh gãi nhiều lên vết ngứa vì điều này có thể làm lông và gai đâm sâu vào trong da gây triệu chứng kéo dài.

Bọ chét (rận, ve chó): Đây là loại côn trùng thường gặp, sống ký sinh ở chó, mèo hoặc trong bụi rậm chúng có kích thước rất nhỏ. Những vết đốt của chúng không chỉ gây đau nhói, sưng hay dị ứng mà còn có thể gây sốt, mẩn đỏ. Khi bị các loài côn trùng này cắn, nên kéo chúng thật từ từ, hoặc dùng lửa hơ, bôi cồn, dầu để chúng tự rơi ra, tránh để hàm răng của chúng dính lại da thịt, có thể gây nhiễm trùng. Sau đó rửa chỗ bị cắn bằng xà phòng, rồi bôi cồn hoặc dầu sát trùng vào chỗ bị cắn.

2. Cảnh giác ong, rết, kiến…

Theo giới chuyên môn, loài bọ xít hút máu sống bằng máu người hoặc động vật. Khi không có động vật, chúng sẽ tìm đến người để hút máu.

PGS-TS Trương Xuân Lam - Trưởng Phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam) - cho biết bọ xít hút máu đã tồn tại từ rất lâu nhưng mới được phát hiện từ năm 2011. Loài sinh vật này xuất hiện ở nhiều thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Huế… và đã tấn công không ít người.

Sau khi bọ xít đốt và hút máu, các vết đốt có biểu hiện đau, rát, sưng tấy và rất dễ lan rộng ra xung quanh. Có trường hợp vết đốt gây sưng to, phù nề diện rộng, mưng mủ. Một số người mẫn cảm với vết đốt của côn trùng có thể bị sốt. Nhiều trường hợp vết đốt ở chân hoặc tay sưng to và phù nề rộng có thể dẫn tới không cử động được. Vị trí các vết đốt thường ở sau gáy, cổ, bả vai, sau lưng, cánh tay và chân.

Bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết côn trùng có loại gây độc và không gây độc khi đốt. Hầu hết các trường hợp bị côn trùng đốt chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ tại chỗ bị đốt như sưng nề đỏ, ngứa và đau. Những biểu hiện này thường tự biến mất trong một vài giờ mà không để lại di chứng. Khoảng 10% trường hợp có phản ứng xung quanh vùng bị đốt với một quầng đỏ lan rộng, ngứa nhiều và đau nhức. Quầng đỏ này thường phát triển sau 2 ngày và tồn tại trong vòng 1 tuần.

Bên cạnh các phản ứng tại chỗ, trong khoảng 1%-3% trường hợp, vết đốt của côn trùng có thể gây ra phản ứng toàn thân - như: nổi mày đay, phù nề mặt, co thắt phế quản, nặng nhất là sốc phản vệ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, tính mạng người bị côn trùng đốt có thể nguy hiểm. Ong, rết, kiến… là các loại côn trùng phổ biến gây ra những phản ứng nặng nề.

“Khi bị cả đàn ong tấn công, nạn nhân đau buốt, vùng bị đốt sưng nề, tấy đỏ, thậm chí thấy mệt mỏi, khó thở, tức ngực, huyết áp tụt, vật vã kích thích, hôn mê và tử vong” - bác sĩ Khánh cảnh báo. Do đó, nếu bị côn trùng đốt, cần rửa kỹ vết đốt hay vùng da tiếp xúc với côn trùng ngay bằng xà phòng, chườm đá lạnh 5 phút rồi rửa kỹ lại bằng nước muối. Nếu đau rát nhiều, tổn thương nhiễm trùng, hóa mủ thì nên đến các cơ sở y tế khám bệnh và điều trị, tránh biến chứng.

3. Những cái chết do bị ong đốt thật đáng sợ.

Anh Tiến cùng anh ruột Huỳnh Ngọc Tiên (46 tuổi) và một người hàng xóm đi phát rẫy ở gần nhà. Nhóm người này vô tình phát trúng tổ ong mật trong bụi rậm khiến đàn ong vỡ tổ bay ra tấn công. Anh Tiến kiệt sức vấp ngã khi vừa chạy tới gần ngôi nhà gần đó để tránh. Hai người kia sau khi thoát được vòng vây của đàn ong quay trở lại thì phát hiện anh Tiến nằm bất động trước hiên nhà với hơn 100 mũi đốt khắp cơ thể. Cả ba người được người dân đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng anh Tiến đã tử vong.

Trước đó, ngày 14-9-2014, 3 cháu bé trong cùng một gia đình ở tỉnh Đăk Nông đang chơi ngoài vườn bị bầy ong vò vẽ làm tổ trên cây lao xuống đốt. Cháu bé 3 tuổi đã tử vong, chị và anh của bé vẫn trong cơn nguy kịch, được cứu chữa ở Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh. Người nhà các cháu cho biết: 4 ngày trước các bé rủ nhau ra chơi ngoài vườn, bất ngờ gia đình nghe tiếng khóc thét của bọn trẻ. Khi người lớn chạy ra phát hiện bầy ong vò vẽ đang lao vào đốt 3 đứa trẻ.

Ngay sau khi giải cứu các bé khỏi đàn ong, gia đình chuyển cả 3 cháu đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Nhưng do bị trúng độc nọc ong quá nặng, chỉ vài giờ sau khi nhập viện đứa em út 3 tuổi đã tử vong. Cháu trai 5 tuổi thì nôn ra máu bầm và tiểu ra máu đỏ tươi, cháu gái 8 tuổi cũng trong tình trạng nguy kịch. Sau khi được cấp cứu tích cực, 2 cháu được bệnh viện địa phương chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 2 để có điều kiện điều trị tốt hơn. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thăm khám, xác định cháu trai bị 35 vết đốt khắp cơ thể; còn cháu gái bị 15 vết đốt. Cả 2 cháu đều bị rối loạn đông máu do trúng độc nọc ong quá nặng. Các cháu đã được hồi sức tích cực và lọc máu liên tục trong 2 ngày để loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Sau nhiều ngày điều trị, sức khỏe của các cháu đang dần bình phục.

Ngày 14-8, hai chị em ruột (15 và 13 tuổi) ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, đang cắt cỏ trong rừng thì bị ong vò vẽ đốt tổng cộng khoảng 140 mũi trong đó người em bị đốt trên 100 mũi dẫn đến suy đa tạng, tổn thương gan và thận, hoại tử cơ, phải cấp cứu ở Bệnh viện Sản – Nhi TP Đà Nẵng.

Ngày 3- 8, bốn bà cháu ở thôn Gia Thạnh, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, Bình Định bị ong đốt phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, trong đó cháu Châu Lê Xuân Mai 5 tuổi, đã tử vong.

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Liên hệ: Công Ty Dịch Vụ Diệt Côn Trùng - Dịch Vụ Diệt Côn Trùng Hà Duy Anh
DC: Số 8 - Hồ Biểu Chánh - Q. Phú Nhuận - TP. HCM
DT: 0909096691 Mr Thế Anh website:www.dietcontrunghieuqua.com

Kính chúc quí khách sức khỏe, thành công và phát triển!