Nhiều trường hợp phải nhập viện vì kiến ba khoang.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỗi ngày, các bác sĩ thường xuyên phải tiếp nhận hàng chục bệnh nhân viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang, tăng 20-30% so với các tháng trước.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, Hà Nội, thời gian gần đây, số ca đến khám và điều trị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang tăng nhiều so với các tháng trước. Hầu như ngày nào, bệnh viện cũng tiếp nhận hàng chục ca do tiếp xúc với kiến ba khoang, tăng 20-30% so với các tháng khác. Bởi tháng 9-11 là thời kỳ sinh sản của kiến ba khoang.

Đáng nói, hầu hết bệnh nhân bị nhầm lẫn viêm da do virus varicella zoster (gây bệnh zona) và từng mua thuốc điều trị nhưng không khỏi. Một số trường hợp khi nhập viện đã ở trong tình trạng tổn thương da rất nặng, phải điều trị dài ngày.

Là một trong những bệnh nhân tới Bệnh viện Da liễu Trung ương điều trị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang, chị N.T.T (Hà Nội) cho biết ban đầu chị không biết những vết rộp trên mặt là do mình đã tiếp xúc với kiến ba khoang.

“Lúc đầu thấy ngứa nên tôi cứ gãi. Tôi chủ quan không đi khám sớm. Đến lúc đi khám, cả mặt và mắt đã bị sưng to”, chị T. cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết người dân thường dùng tay bắt hoặc giết kiến ba khoang và tiếp xúc lên các vùng da hở, khiến chất độc của kiến ba khoang bám dính vào da gây tổn thương.

Cơ thể của kiến ba khoang có chứa loại độc tố pederin, loại độc tính này rất nguy hiểm (mạnh hơn nọc độc của rắn hổ mang), tuy nhiên do lượng tiếp xúc ít nên chỉ gây tổn thương ở ngoài da.

Ngoài ra, việc tự ý điều trị bằng thuốc chữa bệnh zona là sai lầm phổ biến ở nhiều người. Một số bệnh nhân còn dùng các loại lá cây hoặc thuốc màu đắp vào vết thương khiến tổn thương thành sẹo.

Tổn thương do kiến ba khoang có dạng đỏ rát, nổi lên những đám nhỏ và dài thành từng vệt theo chiều tay quệt hoặc xoa. Phía trên các tổn thương đa phần có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Viêm da do độc tố ba khoang thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay.

BS.Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, khuyến cáo người dân không nên giết kiến ba khoang bằng bất cứ bộ phận nào trên cơ thể của mình, không đụng vào xác của chúng. Trường hợp kiến ba khoang còn sống và trong nhà có nhiều loại kiến này người dân nên dùng đồ bảo hộ để bắt. Nếu kiến ba khoang bò trên da, người dân cần thổi mạnh hoặc đặt một tờ giấy cho chúng bò lên và lấy ra khỏi người.

Trường hợp lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác.

Khi bắt đầu có biểu hiện rát ở một vùng da, người bệnh có thể rửa vết thương bằng nước muối loãng, xà phòng, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Nguồn: news.zing.vn/hang-chuc-nguoi-vao-vien-vi-kien-ba-khoang-post891993.html

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Liên hệ: Công Ty Diệt Côn Trùng - Dịch Vụ Diệt Côn Trùng - Dịch Vụ Diệt Ruồi Hà Duy Anh
DC: Số 8 - Hồ Biểu Chánh - Q. Phú Nhuận - TP. HCM
DT: 0909096691 Mr Thế Anh website:www.dietcontrunghieuqua.com

Kính chúc quí khách sức khỏe, thành công và phát triển!