Nghề săn chuột đồng bán.

Những năm trước, nông dân bắt chuột chủ yếu để nuôi cá, nuôi trăn. Tuy nhiên, từ khi cúm gia cầm xuất hiện, thịt chuột phút chốc thành “đặc sản” trong thực đơn của không ít nhà hàng. Để có hàng tấn chuột xuất lên TP HCM mỗi ngày, ở đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện nhiều đội quân “SBC” - săn bắt chuột.

20h, bóng đêm phủ trùm cánh đồng xã Châu Thới (Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Màn đêm như được xé toang bởi hàng chục ánh đèn pha của đội quân săn bắt chuột.

Ngoài trên vai lồng sắt, trên đầu đèn pha dùng bình ắc-quy, anh Hải Vân (thợ săn chuột lành nghề trong xã) còn trang bị súng tự tạo giống loại súng cao su của trẻ con hay làm để bắn rắn mối. Mũi tên là nan hoa xe đạp được giũa nhọn một đầu.

Vừa lội qua hai mẫu ruộng anh Vân dừng lại. Mắt anh hướng về tiếng sột soạt trong gốc rạ. Ánh đèn pha vừa lia, một con chuột to bằng bắp chân đang cắn cọng lúa thì... phập. Tiếng động phát ra từ cây súng, chiếc nan hoa xe găm thẳng vào đùi sau con chuột. Bị trúng tên, chú chuột to tròn giãy đành đạch, kêu eng éc và rúc đầu vào bụi lúa trước khi bị anh Vân bóp cổ thả vào lồng sắt một cách điệu nghệ.

Chỉ vài phút sau, thêm mấy chú chuột cơm và một con nhum mập ú bị dính tên vào đùi. Anh Vân giải thích: “Phải nhắm thật kỹ, bắn chính xác vào đùi để chuột không chết, vậy bán mới được giá cao. Trừ khi chúng chạy quá nhanh tui mới bắn đại vào mình hoặc đầu”.

Để trở thành “xạ thủ chuột” bách phát bách trúng, anh Hải Vân đã mất khá nhiều thời gian luyện tập. Quan trọng nhất theo anh là “nòng súng tự tạo phải nhỏ và thông để giữ mũi tên lao ra vừa nhanh vừa thẳng mới trúng được điểm cần bắn”.

Tại đám ruộng tiếp theo, từ chiều, anh Vân đã đặt những chiếc bẫy chuột. Đó là những chiếc lồng bé xíu, chỉ dài và cao hơn hai gói thuốc lá chồng lên nhau một chút, đặt lọt thỏm dưới tán rạ.

Đặc biệt, bên trong lại… không có mồi nhử chuột (thông thường mồi là lúa, gạo hay tép rang). Anh Vân giải thích: “Muốn để mồi thì phải tô dưới đáy lồng một lớp sình non để lúa, gạo không bị lọt ra ngoài. Mà làm vậy mất thời gian quá nên cả trăm người bẫy chuột vùng này đâu có ai dùng mồi. Bí quyết của tụi này là đặt lồng đúng theo đường mòn của cánh nhà chuột thường đi, bảo đảm chúng lần lượt chui vào lồng hết sạch”.

Gần 22h đêm, khi những chiếc bẫy cuối cùng được thăm thì lồng sắt quảy bên mình anh Vân cũng đã trĩu nặng. Lúc này, chiến lợi phẩm của anh khoảng 7 kg. Í ới một chút, các “đồng nghiệp” của anh đã tề tựu lại, mỗi người được 5-7 kg chuột. “Đây là đợt thăm bẫy đầu hôm, còn một lần thăm vào rạng sáng để kịp mang chuột đi bán”, anh Vân cho biết.

Muốn giàu nuôi cá, muốn khá... lái chuột

Anh lái chuột Thạch Hoàng Dân cười: “Thấy tụi nó hôi hám vậy chứ tiền không đó. Vùng này, nhờ chuột đồng mà không ít người có cái ăn cái mặc, lo cho con cái đến trường”.

Tại chợ chuột gần chợ xã Châu Hưng, hàng chục lái chuột khắp nơi đã về “họp chợ”. Gọi là chợ vì cả chục năm nay hễ ai muốn bán hay muốn mua chuột đồng cũng đều tìm đến đây, và cũng chỉ có chuột là hàng hóa duy nhất.

Anh Ba Nồng ở thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) mang chuột sang tận Châu Hưng để bán. Anh xởi lởi: “Nhà nông mà, kiếm đồng tiền đâu phải dễ. Mỗi đêm tôi bắt được 5-7 kg chuột, kiếm hơn 50.000 đồng, ngon hơn đi làm mướn”.

Nếu đội quân “SBC” vất vả về đêm đặt bẫy, săn chuột, thậm chí ngủ ruộng thì công việc của cánh lái chuột nhẹ nhàng hơn, nhưng lại… hái ra tiền.

Với ông Năm Minh, mỗi sáng chạy 15 km vòng các ấp gom 50 kg chuột là coi như “khỏe”. “Hôm nào nhiều, tôi gom 70-80 kg (giá 10.000- 11.000 đồng/kg), ra “chợ chuột” bán được 13.000 đồng/kg. Trừ tiền xăng, ăn sáng, mỗi ngày còn lời hơn 100.000 đồng”, chú Minh cho biết.

Để mua được nhiều, những tay lái lớn thường bắt mối với cánh thợ săn bằng cách đầu tư 1-2 triệu đồng trang bị lồng, đèn, súng. Vốn được thu hồi trừ vào chuột mỗi ngày.

Dọc quốc lộ 1A (từ Vĩnh Lợi, Bạc Liêu đến thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) hàng chục chợ chuột, vừa tạo thu nhập, công ăn việc làm cho hàng ngàn người, vừa đẩy mạnh phong trào săn bắt chuột.

Mỗi ngày, các điểm thu mua ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang… gom vài tấn chuột và đưa về thị trường Cần Thơ và TP HCM. Mức lãi thấp nhất 500 đồng/kg, trừ mọi chi phí, các “lái chuột” lãi ròng vài trăm ngàn đồng mỗi ngày. Vì lợi nhuận hấp dẫn, giờ đây nhiều người miền Tây bảo nhau: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá đi... lái chuột”.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng)

Nguồn:vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/di-san-chuot-dong-2073380.html

Nghề săn chuột đồng bán.

 

 

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Liên hệ: Công Ty Diệt Chuột - Dịch Vụ Diệt Chuột Hà Duy Anh
DC: Số 8 - Hồ Biểu Chánh - Q. Phú Nhuận - TP. HCM
DT: 0909096691 Mr Thế Anh website:www.dietcontrunghieuqua.com

Kính chúc quí khách sức khỏe thành công và phát triển!

 

Khách hàng tiêu biểu: 

Cong ty diet con trung