Cưỡng chế trang trại nuôi chuột đồng ở An Giang.

Cưỡng chế trang trại nuôi chuột đồng ở An Giang.

Trang trại chuột đồng của ông Giỏi rộng khoảng 7.000m2, bên trong chủ trang trại đã cho lên nhiều liếp trồng xoài. Dưới tán xoài có phủ cây và rơm để làm chỗ cho chuột trú ngụ. Xung quanh trang trại, ông Giỏi xây tường bê-tông khép kín, chân tường âm sâu khoảng 70cm, chiều cao 1m, phía trên dựng 1 tấm thiếc để không cho chuột leo ra. Ngoài ra, người nuôi còn có ý tưởng táo bạo là dùng cây “bắt thang” để dẫn dụ chuột vô “thành” mà không tài nào thoát ra được.

Ông Chau Rươl, người trông coi trang trại chuột cho ông Giỏi tiết lộ, trước thời điểm cưỡng chế, trong vườn có khoảng 180.000 con chuột đã được hơn 2 tháng tuổi. Mỗi ngày, đàn chuột “gặm” đến 5 bao lúa, 300kg ốc bươu vàng.

Thấy ông Giỏi nuôi chuột đồng gần mảnh ruộng của mình, nông dân Lê Văn Tỷ không khỏi lo âu: “Mặc dù đây là mô hình khá mới, nhưng khó lường trước chuyện gì xảy ra khi đàn chuột khoét hang chui ra ngoài”.

Ông Phạm Văn Ngon, Chủ tịch UBND thị trấn Tịnh Biên cho biết: “Khi hay tin trên địa bàn đang có mô hình nuôi chuột, nhiều nông dân hoang mang lo sợ, chính quyền địa phương đã đến khảo sát, lập biên bản không cho nuôi. Thấy đàn chuột còn nhỏ, địa phương đã cho gia hạn trong 30 ngày ông Giỏi phải “giải phóng” đàn chuột, đồng thời khuyến cáo bà con không nên tự ý chuyển đổi sang mô hình nuôi chuột, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất bát mùa màng”.
ThS. Nguyễn Văn Huệ, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tịnh Biên cho biết: “Chủ trang trại nuôi chuột không hề xin giấy phép xây dựng chuồng trại nuôi chuột. Lâu nay, chuột đồng là loài gặm nhấm phá hoại mùa màng, lại sinh sôi rất mạnh, do đó, về mặt chuyên môn xác định đây là loài gây hại, có khả năng ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Chúng tôi cũng đã lập biên bản yêu cầu chủ nuôi phải bán ngay đàn chuột”.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng đã yêu cầu UBND huyện Tịnh Biên chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương buộc ông Giỏi chấm dứt nuôi chuột và cấp tốc tiêu hủy hết đàn chuột dưới sự giám sát của Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng thời huy động tối đa lượng mèo trong dân thả trong và ngoài khu vực trang trại này.

Sau khi nhận được chỉ đạo, đoàn liên ngành huyện Tịnh Biên, dân quân tự vệ, công an xã, sinh viên tình nguyện đã tiến hành “cưỡng chế” đàn chuột nhà ông Giỏi bằng cách bơm nước vào để bắt và tiêu huỷ toàn bộ số chuột.
Vấn đề còn lại sau vụ việc này chính là cách hành xử quá vội vàng của chính quyền địa phương và ngành chức năng khi để các hộ nuôi “trở tay không kịp”. Vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng mất trắng đã đành, vấn nạn ô nhiễm môi trường sau khi bơm nước vào diệt chuột cũng đang trở nên nghiêm trọng. Và hậu quả là không chỉ chuột mà cả cá, cây ăn quả cũng chết theo.

Dưới góc nhìn khoa học, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, đây có thể coi là biện pháp kỹ thuật diệt chuột bằng phương pháp sinh học, chính vì vậy, việc UBND tỉnh An Giang ra quyết định tiêu hủy và dẹp bỏ mô hình dẫn dụ chuột đồng là rất đáng tiếc. Trên thực tế, nhiều nước đã dùng cách dẫn dụ chuột vào khu vườn, đám ruộng có đầy đủ thức ăn để chúng không phá hoại mùa màng. Bản thân ông Giỏi cũng đã có cơ hội tham quan mô hình này ở Ấn Độ.
Xét cho cùng, nuôi chuột đồng vẫn là một quyết định mạo hiểm và cũng đã được thể hiện trong lệnh cấm. Nhưng sẽ trọn vẹn hơn nếu chính quyền địa phương, ngành chức năng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân thay vì hành xử quá vội vàng thì câu chuyện “cái chết của con chuột đồng” không đến nỗi phải trở thành chuyện lạ ở miền Tây, nơi mà chuột đồng được coi là một đặc sản.

Cưỡng chế trang trại nuôi chuột đồng ở An Giang.


Nên quan tâm nhiều hơn với mô hình nuôi chuột đồng lấy thịt.

Xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ chuột và giá bán cao nên trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh An Giang đã có nhiều hộ nuôi chuột đồng Rattus Argentiventer để bán. Quy mô diện tích nuôi từ 250m2 đến 10.000m2. Nông dân ước tính rằng, sau khoảng 3 tháng nuôi, trọng lượng chuột sẽ tăng gấp 3 - 4 lần, ít tốn công chăm sóc. Như vậy 1 vốn 4 lời, chưa kể đến lợi ích từ chuột đẻ.

Tuy nhiên bà con nông dân cần thận trọng và cân nhắc thiệt hơn vì những lý do sau:
1. Chuột là đối tượng gây hại đáng kể cho nhiều loại cây trồng nông nghiệp trên thế giới. Riêng ở châu Á, năng suất thất thoát mỗi năm do chuột có thể nuôi được 200 triệu người trong một năm. Ở Việt Nam, chuột là 1 trong 3 đối tượng dich hại quan trọng nhất trong nông nghiệp. Trung bình mỗi năm khoảng 100.000 ha lúa bị chuột gây hại. Ở An Giang, bình quân 15% năng suất thất thu do chuột mỗi năm (Dựa trên số liệu của Chi Cục Bảo vệ thực vật An Giang). 
Do đó, để bảo vệ năng suất lúa không bị thiệt hại do chuột, hằng năm, từ nguồn kinh phí tỉnh và huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh và hệ thống các Trạm BVTV huyện, thị, thành phố vẫn tiếp tục mở những chiến dịch diệt chuột cộng đồng nhằm diệt chuột ngay từ đầu mỗi mùa vụ và kết hợp khuyến nông, giúp nông dân hiểu về tập tính sinh sản và gây hại của loài dịch hại này.

2. Hầu hết chuồng trại nuôi nằm giữa những khu vườn tạp và được xây dựng mang tính tạm bợ. Trong quá trình nuôi, nếu sơ xuất, chuột thoát ra ngoài thì sẽ là đại dịch, không những ở An Giang mà sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các tỉnh lân cận bởi vì con chuột đồng R. Argentiventer rất thích nghi với môi trường trồng lúa. Chuột cái có thể bắt đầu đẻ ở khoảng 28 đến 42 ngày tuổi. Thời gian mang thai trung bình là 20-21 ngày, bình quân 7-8 con/lứa. Chuột cái có thể đẻ 3 lứa/vụ lúa, đặc biệt chúng có thể giao phối ngay sau khi sinh con, khoảng cách giữa 2 lần sinh sản có thể chỉ 20-25 ngày. Vì vậy từ 1 cặp chuột bố mẹ ban đầu, có thể sinh ra 2.046 con trong vòng 13 tháng.

3. Quan trọng hơn, chuột là đối tượng lan truyền các bệnh nguy hiểm cho con người và gia súc. Các bệnh này xâm nhập vào cơ thể người qua các vết trầy xước, nước bọt (chuột bị bệnh cắn) qua nguồn nước hay thức ăn có nhiễm nước tiểu hay phân chuột bệnh, hít phải không khí ô nhiễm (trong chuồng trại nuôi có chuột bệnh).

Từ những vấn đề trên cho thấy, chuột là đối tượng gây hại nguy hiểm trên cây trồng, đặc biệt là cây lúa, UBND tỉnh An Giang đã kịp thời ban hành Công văn 1211/UBND-KT ngày 17 tháng 6 năm 2012 về việc nghiêm cấm nhân, nuôi chuột và triển khai cấp bách các biện pháp phòng trừ chuột bảo vệ mùa màng. Sở Nông nghiệp & PTNT cũng đã ban hành Văn bản số: 666/SNN&PTNT-TTr ngày 18/7/2012 về việc quản lý các điểm thu mua, nhân nuôi chuột đồng trên địa bàn.

Vấn đề nhân nuôi chuột chưa được cơ quan nào xây dựng quy trình nuôi, cũng như đánh giá hiệu quả kinh tế, do đây là đối tượng không cho phép nhân nuôi dưới mọi hình thức, việc chọn lựa đối tượng nuôi cần phải nghiên cứu cho thật kỹ, để đưa ra quyết định đúng đắn phù hợp với quy định của nhà nước, đảm bảo việc thu hồi vốn, tránh trường hợp đầu tư vội vã, lợi thì chưa thấy nhưng thiệt hại kinh tế là không nhỏ. Mong bà con thận trọng.

Nên quan tâm nhiều hơn với mô hình nuôi chuột đồng lấy thịt.

 

 

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Liên hệ: Công Ty Diệt Chuột - Dịch Vụ Diệt Chuột Hà Duy Anh
DC: Số 8 - Hồ Biểu Chánh - Q. Phú Nhuận - TP. HCM
DT: 0909096691 Mr Thế Anh website:www.dietcontrunghieuqua.com

Kính chúc quí khách sức khỏe thành công và phát triển!